T4, 01 / 2021 12:14 chiều | kenhtuyensinh

Để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, trường học ở khắp nơi trên thế giới đã phải đóng cửa trong vài tháng qua. May thay, giáo dục không phải dừng lại mà chỉ thay đổi và phát triển theo xu hướng học trực tuyến E-learning.

Giới thiệu

Để ngăn sự lây lan của dịch bệnh, nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện các biện pháp hạn chế tụ tập đông người. Các trường học cũng bị ảnh hưởng và phải cắt giảm các lớp học, hoặc đóng cửa hoàn toàn. Vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, ước tính gần 1,6 tỷ trẻ em ở 195 quốc gia trên toàn thế giới không thể đến lớp. Đóng cửa trường học quá lâu không chỉ gây ra những tổn thất về giáo dục, mà còn dẫn đến sự thiệt hại về nhân lực và kinh tế. May thay, việc đóng cửa các trường học không dừng lại giáo dục mà chỉ thay đổi giáo dục theo một xu hướng khác. Để giảm thiểu tác động của việc đóng cửa trường học do Covid-19, các trường đã tìm những giải pháp thay thế. Học sinh và sinh viên hiện ở bất cứ đâu có thể tiếp tục việc học với giáo dục từ xa, thông qua các khóa học trực tuyến và sách giáo khoa điện tử.

Ảnh hưởng của Covid-19 đến môi trường giáo dục

Việc đóng cửa hoàn toàn các trường học ở một số quốc gia đang ảnh hưởng đến hơn 60% nhóm đối tượng học sinh. Ngay cả ở những nước chỉ thực hiện đóng cửa theo vùng, việc này vẫn ảnh hưởng đến hàng triệu sinh viên. Một số tổ chức trên thế giới đã sử dụng dữ liệu để hiển thị tác động của COVID-19 với giáo dục.

UNESCO – Tác động của Covid-19 đến nền Giáo dục

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) là một tổ chức hướng đến xây dựng hòa bình, chống đói nghèo, đầu tư vào phát triển bền vững và đối thoại giữa các nền văn hóa – thông qua giáo dục, khoa học, văn hóa, truyền thông và thông tin. Để giám sát ảnh hưởng của các chính sách được triển khai để chống lại COVID-19, chẳng hạn như đóng cửa trường học, UNESCO đã tạo ra một bảng điều khiển và tương tác với dữ liệu.

Bảng điều khiển và tương tác với dữ liệu được tạo bởi UNESCO.

Bảng dữ liệu cho thấy sự phát triển theo thời gian về số lượng người học bị ảnh hưởng, tỉ lệ người học bị ảnh hưởng theo phần trăm và số trường học đóng cửa trên toàn quốc, tính từ tháng 2 năm 2020. Các nhóm đối tượng bao gồm học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông (Phân loại tiêu chuẩn quốc tế về giáo dục từ cấp 0 đến 3), cũng như ở các cấp giáo dục đại học (từ cấp 5 đến 8). Dữ liệu được công khai và cập nhật hàng tuần.

World Bank – Giáo dục và COVID-19

Ngân hàng Thế giới (The World Bank) nhắm đến xóa đói giảm nghèo, gia tăng sự chia sẻ thịnh vượng, và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Giống như UNESCO, The World Bank đã tạo ra một bảng điều khiển và tương tác với dữ liệu để thể hiện tác động của COVID-19 đối với giáo dục trên toàn thế giới.

Bảng điều khiển và tương tác với dữ liệu được tạo bởi Ngân hàng Thế giới.

Bảng dữ liệu hiển thị tình trạng của các trường học và số học sinh bị ảnh hưởng ở cấp giáo dục mầm non, tiểu học, trung học và đại học, đối với từng quốc gia. Bảng điều khiển tương tác dựa trên dữ liệu công khai có sẵn từ EduAnalytics và được cập nhật thường xuyên. The World Bank đang liên tục hỗ trợ để cải thiện giáo dục một cách có hệ thống, nhằm cung cấp môi trường học tối ưu cho học viên khi các em trở lại trường học.

Đào tạo chuyển sang giáo dục kỹ thuật số

Một cuộc khảo sát do UNESCO thực hiện với 61 quốc gia đã kết luận rằng: hầu hết các hệ thống giáo dục đã thực hiện các biện pháp liên quan đến đào tạo từ xa. Trường học, giáo viên và học sinh đã sử dụng E-learning nói chung, trong đó việc giảng dạy được thực hiện trực tuyến và trên các nền tảng kỹ thuật số. Trừ một số trường hợp ngoại lệ – ví dụ như Thụy Điển đã không đóng cửa các trường tiểu học, hay Bỉ và Na Uy vẫn mở một số cơ sở trường học cho trẻ em có cha mẹ đang làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu – các chính phủ trên thế giới đã sử dụng công nghệ để cung cấp cơ hội học tập từ xa cho sinh viên trong khi trường học đóng cửa, theo dẫn chứng của The World Bank.

Trước khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, việc sử dụng nội dung kỹ thuật số trong giáo dục không phổ biến trên thế giới. Chỉ 20% quốc gia có tài nguyên học tập kỹ thuật số trong giảng dạy, ở một số trường học. Chỉ 10% quốc gia có khả năng đào tạo kỹ thuật số mạnh mẽ, cung cấp những tài liệu giáo dục có sẵn ngoài trường học. Theo The World Bank, không có quốc gia nào có một chương trình phổ cập kỹ thuật số để dạy và học. Những con số này cho thấy nỗ lực to lớn mà chính phủ và các trường học đã phải thực hiện để nhanh chóng chuyển sang đào tạo từ xa, nhằm đảm bảo tính liên tục của việc học trong dịch bệnh.

Để chuyển sang học trực tuyến một cách phù hợp, có 3 điều kiện tiên quyết: truy cập Internet, thiết bị công nghệ phù hợp và kỹ năng sử dụng công nghệ. Để hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của việc đóng cửa trường học đối với các học viên châu Âu và cơ hội tiếp cận giáo dục trực tuyến, một bản đồ tương tác đã được Cổng dữ liệu châu Âu (European Data Portal) tạo ra, thể hiện trong hình 3. Bản đồ được tạo ra bằng cách kết hợp dữ liệu từ một cuộc khảo sát do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện. Có thể thấy từ tỷ lệ phần trăm cao được hiển thị trong hình 3, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở châu Âu khá tiên tiến, vì hầu hết các trường học và các hộ gia đình đều có quyền truy cập Internet.

Bản đồ tương tác được tạo bởi European Data Portal, nguồn: OECD, The World Bank
Không phải nơi nào cũng có cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tiên tiến như châu Âu. Ước tính toàn cầu cho thấy: 826 triệu học sinh không có máy tính tại nhà, 706 triệu học sinh thiếu truy cập Internet tại nhà và 56 triệu học sinh không có mạng di động 3G hoặc 4G. Các gia đình không có quyền truy cập Internet tại nhà gặp phải bất lợi lớn trong cuộc khủng hoảng và điều này thường xảy ra ở những hộ gia đình vốn đã khó khăn. Ví dụ, theo ước tính của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), 82,2% hộ gia đình ở châu Phi thiếu truy cập Internet tại nhà.

Ngoài truy cập Internet, điều quan trọng là phải có một không gian yên tĩnh để học tập và một thiết bị phù hợp để làm việc. Những gia đình có nhiều con cần học online có thể không có thiết bị chuyên dụng cho mỗi trẻ, gây khó khăn cho việc theo dõi tất cả các lớp. Theo một báo cáo do OECD công bố, dựa trên dữ liệu từ Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) về học sinh 15 tuổi, một lần nữa, có sự khác biệt lớn giữa các nhóm kinh tế – xã hội. Ở những nước châu Âu, hơn 95% sinh viên cho biết có máy tính để làm việc tại nhà. Khoảng 91% báo cáo rằng có không gian để học tập. Tuy nhiên, ở Indonesia chẳng hạn, chỉ 34% có máy tính và chỉ 70% có không gian yên tĩnh để học.

Để cung cấp một cái nhìn tổng quan về các chủ đề này ở Châu Âu, hình 4 và hình 5 được tạo ra dựa trên dữ liệu do OECD cung cấp. Hình thống kê cho thấy tỷ lệ phần trăm học sinh 15 tuổi được khảo sát có máy tính để làm việc tại nhà và không gian yên tĩnh ở nhà để học.

Tỷ lệ học sinh 15 tuổi ở EU có máy tính tại nhà, nguồn: OECD.
Tỷ lệ học sinh 15 tuổi ở EU có một không gian yên tĩnh để học tập, nguồn: OECD

Một điều quan trọng khác là cách thức mà các cơ sở giáo dục được trang bị cho việc học trực tuyến và mức độ tham gia của giáo viên vào việc giảng dạy trực tuyến. Giáo viên cần nhanh chóng điều chỉnh phương pháp giảng dạy. Tính trung bình ở các nước OECD, 65% học sinh 15 tuổi đăng ký học tại các trường mà giáo viên có các kỹ năng sư phạm và kỹ thuật cần thiết để tích hợp thiết bị kỹ thuật số trong giảng dạy. Giáo viên là chìa khóa để thực hiện đào tạo từ xa thành công. Gần 50% hệ thống giáo dục được UNESCO khảo sát, ở tất cả các mức thu nhập, đang cung cấp thêm các khóa đào tạo giáo viên để chuẩn bị tốt cho việc dạy trực tuyến.

Dự đoán những thay đổi trong tương lai

Ngày nay, phụ huynh, học sinh và giáo viên trên khắp châu Âu đang thích nghi với ‘sự bình thường mới’ bằng đào tạo trực tuyến. Khi các trường bắt đầu mở cửa trở lại, có hai mốc thời gian cần quan sát các thay đổi. Trước mắt, các trường học cần thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và vệ sinh hợp lý, xem xét những tổn thất học tập có thể xảy ra và cách bù đắp những thiệt hại đó. Về lâu dài, có thể quan sát những thay đổi vĩnh viễn đối với hệ thống giáo dục. Điều này không chỉ đòi hỏi sự thích nghi với việc sử dụng công nghệ, mà còn đòi hỏi các trường phải cân nhắc thêm về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân của học sinh.

Mặc dù ban đầu, việc đóng cửa trường học gây ra sự gián đoạn, điều này dẫn đến những đổi mới trong giáo dục. Có những dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng có thể tác động lâu dài đến quỹ đạo của đổi mới trong giáo dục và số hóa. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) cho rằng những thay đổi bao gồm ba khía cạnh:

  • Cuộc khủng hoảng có thể thúc đẩy sự đổi mới trong giáo dục. Đối với những người có quyền truy cập Internet và các thiết bị công nghệ phù hợp, có bằng chứng cho thấy việc học trực tuyến có thể hiệu quả hơn. Với những thông tin cùng kinh nghiệm thu được trong cuộc khủng hoảng, các cơ sở giáo dục có thể triển khai các cơ hội học tập kỹ thuật số để kích thích năng suất các bài học. Những đổi mới tiềm năng bao gồm các ứng dụng, nền tảng và tài nguyên giáo dục. Tất cả nhằm mục đích giúp phụ huynh, giáo viên, nhà trường và ban giám hiệu nhà trường tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập, chăm sóc xã hội và tương tác của học sinh trong thời gian trường đóng cửa.
  • Các mối quan hệ đối tác giáo dục công-tư có thể ngày càng trở nên quan trọng. Thập kỷ qua cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của các công ty tư nhân đối với giáo dục. Đại dịch có thể mở đường cho sự hợp tác quy mô lớn, liên ngành xung quanh mục tiêu chung là giáo dục.
  • Với sự phân chia kỹ thuật số, những thay đổi mới trong cách tiếp cận giáo dục có thể làm gia tăng bất bình đẳng. Chất lượng giáo dục phụ thuộc vào khả năng truy cập Internet, thiết bị công nghệ và các kỹ năng cần thiết để sử dụng nó. Như đã đề cập, điều này dao động tùy vào mỗi quốc gia. Khoảng cách kỹ thuật số có thể lớn hơn, nếu hiệu quả của giáo dục liên kết trực tiếp với cơ hội được tiếp cận với các công nghệ mới nhất.

Còn quá sớm để đánh giá liệu một hệ thống giáo dục kết hợp mới sẽ xuất hiện với cả lớp học trực tiếp và trực tuyến, hay việc chuẩn bị ngắn hạn cho giáo dục trực tuyến sẽ dẫn đến hiệu quả kém để rồi quay lại phương pháp truyền thống. Khi tình hình tiếp tục tiến triển và nhiều dữ liệu hơn được thu thập, các chuyên gia trong lĩnh vực này có thể tiến hành phân tích sâu rộng về tác động lớn hơn của đại dịch đối với giáo dục.

Nguồn: Đại Học Kinh Tế Quốc Dân

 


Bài viết cùng chuyên mục